Bí mật của người chạy 100km | People at Chợ Tốt 09

Bí mật của người chạy 100km | People at Chợ Tốt 09

Động lực nào khiến một người muốn chinh phục cự ly chạy 100km?

Thời gian gần đây, chạy bộ ngày càng trở nên phổ biến, các giải chạy marathon ngày càng được tổ chức nhiều. Anh cũng không ngoại lệ mà tham gia hết mình, bắt đầu từ vài năm trước với đồng nghiệp ở công ty cũ và duy trì cho đến bây giờ. Cũng kênh qua nhiều giải chạy khác nhau, chinh phục một số cột mốc mà ngẫm lại anh vẫn thấy tự hào: Finisher 100km VMM (Sapa), Sub 4 tại Techcombank HCMC, 5km 19’07 tại VNExpress Nha Trang,... Mỗi khi đạt được một cột mốc mới, anh sướng rơn người, niềm vui này cứ kéo dài hoài luôn vì đó là thành quả của một quá trình tập luyện kiên trì và nỗ lực đủ lâu.

Chinh phục mốc 100km tại VNExpress Vietnam Mountain Marathon 2022
Chinh phục Sub4 tại Techcombank HCMC International Marathon 2022

Anh chạy bộ vì điều gì?

Có điều này anh nghĩ ít người biết: thực ra anh không hoàn toàn thích chạy bộ, mà anh thích chinh phục. Anh nhận ra điều này khi tiếp xúc với các bạn chạy khác, có bạn thích chạy vì muốn giữ sức khỏe mỗi ngày, thích không khí lúc chạy ở công viên, thích việc duy trì một thói quen bổ ích, hay đơn giản được hoà mình vào một đội nhóm chạy bộ. Với anh đó là mong muốn vượt qua giới hạn của bản thân. Sẽ có những buổi chán, rất mệt, không muốn bước ra đường chạy, nhưng mà mình tin với mỗi buổi tập mình sẽ tiến bộ hơn để đạt được mục tiêu, điều đó trở thành động lực để anh chạy. Chinh phục những cái chưa làm được, những cái mình không tin có thể làm nhưng lại làm được, điều đó khiến mình vui lắm.

Chinh phục những cái chưa làm được, những cái mình không tin có thể làm nhưng lại làm được, điều đó khiến mình vui lắm.

Niềm mong muốn chinh phục này không chỉ thể hiện ở bộ môn chạy, anh còn tham gia các môn khác như bóng rổ và bơi lội. Có đợt anh đăng ký tham gia Iron Man ở môn bơi, bởi vì anh muốn mình có thể nổi trên mặt biển 1 giờ đồng hồ mà vẫn an toàn. Đối với anh đó là cảm giác mới mẻ, đầy thích thú và làm anh muốn chinh phục. Việc liên tục đặt ra những mục tiêu mới, kiên trì tập luyện để hoàn thành mở ra cho anh nhiều góc nhìn mới, để thực sự thấy rằng “No human is limited" - câu nói của Eliud Kipchoge - một vận động viên nổi tiếng người Kenya mà anh thấy rất đúng.

Làm thế nào để chinh phục những mục tiêu mà mình không tin bản thân làm được?

Nói về sự không giới hạn, không thể không nhắc đến kỉ lục đạt Sub 2 của Kipchoge. Người ta sẽ không tin một con người bình thường có thể chạy 42km trong 2 giờ, nghĩa là phải hoàn thành 1km trong 2’50s và liên tục trong 42km. Rất vô lý phải không, nhưng anh ấy đã chứng minh mình làm được. Như lúc trước anh cũng không bao giờ nghĩ sẽ đạt được Sub 4 marathon (chạy 42km trong 4 tiếng), đối với anh nó rất khó tin. Vì vậy, với những điều mình không tin bản thân làm được, mấu chốt của anh là chia nhỏ mục tiêu và tìm những minh chứng nho nhỏ dọc đường để có được niềm tin thực tế. Với mục tiêu Sub 4, anh xác định mình phải chạy ở pace 5:40 liên tục suốt 42km. Anh kiểm tra đều đặn, với pace này mình đã chạy được liên tục trong 1km chưa, rồi tăng lên 5km, 10km,... từ những con số như vậy, mình có kế hoạch và lộ trình rèn luyện để đạt được từng cột mốc nhỏ. Khi mục tiêu được vạch ra bởi những con số cụ thể, niềm tin của anh rõ ràng hơn nhiều, mặc dù mình không chắc 100% sẽ làm được, nhưng mình có thể tự thuyết phục bản thân tin: với những nỗ lực nho nhỏ đều đặn sẽ giúp mình đạt được một cái gì đó lớn hơn trong tương lai. Tập luyện thể thao giúp anh tin vào bản thân mình và phá vỡ nhiều giới hạn hơn.

Anh có thần tượng ai trong thế giới thể thao?

Trong giới thể thao, anh không thực sự thích hay thần tượng một ai cả. Tuy nhiên anh lại rất hâm mộ những người bình thường, làm việc văn phòng 8 tiếng/ngày mà vẫn bước ra sân tập, và họ tập luyện rất nghiêm túc cho mục tiêu của mình. Anh hiểu sự khó khăn đó, cũng có lúc tự hỏi tại sao mình phải làm việc này. Những ngày đầu tiên vượt qua bài Interval rất khó khăn, rất ngộp. Lúc đó anh nghĩ về những bạn đứng trên bục nhận huy chương, họ sẽ tập bài này một tuần mấy lần, sẽ tập trong bao nhiêu tháng, duy trì trong bao nhiêu năm, với sự bền bỉ kỷ luật như vậy anh rất kính trọng họ.

Những bài học nào từ việc chạy bộ mà anh thấy áp dụng được vào công việc và cuộc sống?

Thể thao cũng cho anh thấy rằng: những quảng hồi phục là thực sự cần thiết. Nếu ví chặng đường tại Chợ với một môn thể thao, anh cũng sẽ chọn chạy bộ. Anh kiên trì để tiến bộ mỗi ngày, sẽ có những lúc đạt cột mốc mới khiến mình thấy tự hào, cũng có những lúc cảm giác sao mình thụt lùi và làm chưa tốt. Giống như trong thể thao thường có 2 giai đoạn: giai đoạn 1 là luyện tập để phá cơ, giai đoạn 2 là phát triển từ khoảng nghỉ và hồi phục. Cả 2 giai đoạn đều rất quan trọng, nếu phá cơ quá nhanh thì cơ càng tụt sâu (over training), khoảng nghỉ quá ngắn thì cơ thể chưa kịp hồi phục ở trạng thái tốt, bài tập tiếp theo sẽ không đạt chất lượng. Vận dụng vào công việc và cuộc sống, anh thấy bản thân luôn cần những khoảng nghỉ hợp lý để tránh burnout, có thời gian nhìn lại, suy ngẫm về các mục tiêu và những điều quan trọng để quay lại tiếp tục cố gắng hơn nữa. Không thể kỳ vọng bản thân phải luôn làm tốt hơn, anh sẽ thoải mái hơn khi chọn nhìn về cả hành trình, mình đã nỗ lực và vẫn đang đi đúng hướng về mục tiêu.

Công việc cũng giống như thể thao, luôn cần các khoảng nghỉ hợp lí để comeback mạnh mẽ hơn 💪

Anh có lời khuyên nào cho các bạn mới bắt đầu chạy bộ?

Dành cho những bạn đang và sẽ bắt đầu tập luyện thể thao. Hãy có cho mình một lý do và bắt đầu thôi. Còn về cách thức, mình nên gửi tiết kiệm và đầu tư vào ngân hàng sức khỏe.


Gửi tiết kiệm:
Nếu hiện tại chưa đủ sức khoẻ, tim mạch chưa mạnh, cơ bắp chưa mạnh, mình hoàn toàn có thể đi bộ và tập nhẹ nhàng vừa sức. Đừng nhìn người khác chạy pace 5, pace 6 hoặc có tracklog 8km 10km mà ráng chạy theo. Hãy bắt đầu với 2-3km, hãy bắt đầu với việc có mặt ở sân tập 2-3 buổi/tuần không quan tâm, hãy bắt đầu ở tốc độ easy. Như gửi tiết kiệm nho nhỏ, tất cả sẽ được cộng dồn vào sức khoẻ chứ không hề mất đi. Ngay cả các elite họ cũng dành 80% thời gian để tập bài easy.

Đầu tư:
Nếu bạn muốn đi nhanh hơn, luyện tập trong thời gian ngắn hơn nhưng vẫn đạt được hiệu quả cao, hãy tìm cho mình 1 Huấn luyện viên (HLV) tốt. Giống như bạn đang mua kiến thức & thời gian của người khác vậy. Ví dụ như anh tập bơi sải trong 5 tuần để có khả năng bơi biển 2km, xuất phát điểm là chưa biết bơi sải. Anh sẽ không thể làm điều đó trong 5 tuần nếu không có sự giúp đỡ từ HLV. Tích luỹ nhỏ, đầu tư hợp lý, anh tin ai cũng có thể đạt được mục tiêu 💪

Đó anh Đạt Trương - người anh với những biệt danh hay ho: “Đạt Hố Đen", “Đạt 100 cây", Acting Lead của team Digital, người tự nhận là thanh niên gầy, hướng nội và lì. Anh Đạt không chỉ nổi bật với tinh thần trách nhiệm trong công việc, nhiều trọng trách với đàn em thơ, anh còn nổi tiếng với những thành tích thể thao đầy ngưỡng mộ. Ở Chợ, anh còn được gọi là “trendsetter” khi công ty phát động ngày hội mặc đồ thể thao đi làm 🤣 Nghe anh chia sẻ các góc nhìn về thể thao, Chợ càng thấy mến phục vì ý chí và những nỗ lực anh đặt để vào từng chặng hành trình.

Qua lời chia sẻ chân thật nhưng truyền cảm hứng của anh Đạt, Chợ hi vọng People at Chợ Tốt số này mang đến làn gió mới, đầy tích cực để FRUITie cùng có thêm động lực “gửi tiết kiệm và đầu tư” sức khoẻ của mình hơn nữa nhen ❤️


Loading comments...