Nói về nghề Product, ít muối nhưng mặn nhiều

Nói về nghề Product, ít muối nhưng mặn nhiều
Lâu rồi không viết lách, hôm nay Phát trở lại với vài dòng suy nghĩ về nghề làm product (product manager).

Bài viết này dành cho ai không biết nghề này làm cái gì, muốn làm thì có được không, lương cao không. Mất 5 phút để đọc.

Style của mình, again là theo kiểu xôi thịt và thực dụng, hạn chế kiến thức sách vở. Và quan trọng nhất là đây hoàn toàn là những suy nghĩ mang tính chất cá nhân, KHÔNG dại diện cho toàn thể anh chị em làm nghề product, và càng không đại diện cho công ty nào cả.

Nói về nghề product, có vẻ là một khái niệm lạ mà cũng quen

Vì sao lạ? Các thế hệ trước, ba mẹ cô chú bác mình, hoặc thậm chí trong thế hệ hiện tại, bạn bè mà không làm trong lĩnh vực software gần như còn xa lạ với khái niệm nghề product manager. Lạ đến nỗi khi tự giới thiệu nghề nghiệp cá nhân, ít khi nào mình dám nói cái job title đó, mà chỉ có thể lòng vòng ví dụ à tao ngồi phân tích vẽ vời ra mấy bản vẽ xong chuyển qua cho mấy ông code làm. Đến mức tủi thân luôn, kiểu như về quê mà gặp mấy bà mấy chị, không biết làm sao mà giải thích. Còn ngồi với các anh các chú thì là chuyện kinh doanh, nhà đất xe cộ này nọ, chứ lái qua vụ product thì chắc chả ai quan tâm (có hiểu nó là khỉ gì đâu).

Còn quen? Vì software product gần như đang len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống hiện đaị, miễn là bạn có xài xì mác phôn hoặc máy tính, là đâu đó đụng tới product. Mua hàng ư, Tiki Lazada Shopee, đó là product. Di chuyển ư? Có Grab, Uber, Mai Linh, , Vexere, đó là product. Buồn chán ư, cần giao tiếp, mạng xã hôị ư? Game, Zalo, Facebook, Instagram, Tinder,… đó cũng là product. Nói chung tất tần tật những cái mình có thể chọt vào trên điện thoại thông minh để phục vụ cho một mục đích nào đó, thì nó là product.

Và ông product manager chính là một trong những con người tham gia vào quá trình tạo ra mấy cái mới vừa kể.

Hy vọng dễ hiểu.

Vậy làm product dễ hông?

Dễ ẹt.

  • (a) Ngồi suy nghĩ ra mấy cái tính năng, lấy ví dụ đăng nhập cho dễ hiểu, thì vẽ ra là người dùng phải điền username và password rồi nhấn cái nút bự bự, còn không thì nhấn vô nút kế bên là nút đăng ký (user flow). Xong hen? Thiệt ra không sai nha, nhưng mà, mấy cái này cần chi ông product, ông lập trình viên ổng tự làm được mà, 1 nốt nhạc?
  • (b) À không, ông product ổng phải vẽ ra chi tiết màn hình giao diện xanh đỏ tím vàng như thế nào, kích thước to nhỏ ra sao. No, mấy anh chị designer vẽ được luôn á, vẽ tốt hơn nhiều luôn á.
  • (c) Đúng rồi, vậy là product manager phải ngồi làm tài liệu mô tả kĩ thuật (specification), kiểu như quy định cái ô username thì phải bao nhiêu ký tự, gõ sai thì hiện ra cái gì, password phải mã hóa ra sao, có yêu cầu ký tự đặc biệt hông. Cũng cần, nhưng không hẳn. Cái này mà bạn nào làm trong lĩnh vực gia công phần mềm, chắc chắn biết đến cái vị trị Business Analyst (BA), làm mấy cái này cực siêu luôn. Đảm bảo đầy đủ thông tin từ ngóc đến hẻm, anh coder chỉ cần đọc mô tả và làm theo từng bước từng bước. Product mà làm mấy cái này, nói thiệt thua xa lắc.
  • (d) Hay là kiểm tra chất lượng? Không, đây là việc của anh Tester.

Ủa mệt quá, vậy product làm gì?

Việc của product là anh phải đồng hành cùng mấy anh ở trên kia, cho từng việc từng việc luôn. Có thể anh không đóng vai trò quyết định chính, nhưng anh phải cùng team làm từ A đến Á. Nhưng, mấy cái ở trên không phải việc chính của anh.

Quay lại cái ví dụ màn hình đăng nhập, thứ đầu tiên anh phải trả lời là:

  • (1) Vì sao mình phải làm cái màn hình đăng nhập này?
  • (2) Ai sẽ xài cái màn hình này đây?

Đây mới là yếu tố then chốt. Câu hỏi (1) giúp nhiều người tỉnh lại và bớt theo thói quen công nghiệp là hễ cứ làm software thì thứ đầu tiên phải làm là đăng nhập. Mình ngày xưa cũng y chang. Vì bạn làm ra sản phẩm không phải cho bạn xài, mà là người khác xài (user). Mà để người ta dùng nó thì nó phải tạo ra một lợi ích nào đó (value) hoặc giải quyết một vấn đề nào đó (problem). Vậy, để đạt được cái value hoặc giải quyết được cái problem đó, thì ví dụ cái tính năng đăng nhập kia có phải là thứ chính yếu không?

Tới câu (2), việc hiểu rõ ai mới là người dùng thực sự giúp bạn xác định được mình phải làm cái gì? Vì nếu người xài là ông nội bà ngoại mình, thì ok, chữ phải to thiệt to nha, mật khẩu hiện số 1 tới 9 cho dễ bấm nha. Còn nếu là ông chú Viettel chuyên gia bảo mật, thì trời ơi, chỗ đăng nhập này chắc phải có tính năng quét võng mạc kết hợp với tra khảo giọng nói, trùng khớp thì cho qua, không thì bật tính năng tự nổ, bla bla…

Trong nhiều trường hợp, trả lời xong câu (1) với (2) - có thể tìm hiểu, hoặc đi hỏi từ ông nội bà ngoại đến ông chú để xin ý kiến (user interview/user validation), thì ra kết quả là phải làm màn hình đăng nhập. Xong lúc đó mới nói ủa biết vậy ngay từ đầu tao làm luôn đăng nhập, sao phải lòng vòng mất công mất thời gian vậy. Cái này chính là một lỗi rất lớn gọi là assumption, tôi nghĩ, tôi đoán thế. Nếu thành công thì chẳng qua là ăn may. Và một vài trường hợp, chúng ta xác định được là mình chưa cần làm cái vụ đăng nhập, mà phải làm cái gì gì đó khác, ví dụ tính năng canh giọng nói của ông chú Viettel chẳng hạn.

Rồi giả sử làm xong hết, đưa cho ông chú xài. Hết, hoàn tất sứ mệnh? Không luôn, mình phải tiếp tục canh me coi ông chú xài ổn không, có gặp vấn đề gì không, một ngày ổng xài bao nhiêu lần, bla bla bla (monitoring and learning). Xong nếu mà cần thì mình phải quay lại làm thêm cái này, bớt cái kia.

Có một hiểu làm rất lớn về product, là KHÔNG phải người tiếp nhận yêu cầu của các phòng ban khác xong về lên bản vẽ, sắp xếp thứ tự ưu tiên, ước tính khi nào xong rồi làm. Vì theo cách hiểu này, người product sẽ mất đi góc nhìn về câu hỏi (1) và (2) ở trên.

Nói tiếp về chữ manager trong cái title product manager

Cái thú vị là sau khi mình nói cái title này cho bạn bè mình xong, má ơi 10 đứa thì hết 9 đứa nghĩ là thằng này đang làm sếp!!! Ghê hông!

Xin thưa là không hề. Thứ bạn manage lớn nhất ở đây chính là cái product mà bạn đang ôm đó. Nhưng cũng tùy công ty, tùy tính chất công việc, hay tùy vào cấu trúc nhân sự, mà một số product có thể quản lý thêm 1 vài bạn bên dưới, để hỗ trợ công việc cho mình. Lúc này sẽ sinh ra thêm mất title rất oách xà lách như Product Lead, Head of Product, Product Director, vân vân và vân vân…

Thiệt ra sau bao nhiêu năm đi làm, mình thấy anh chị em làm product cơ bản là kĩ năng gần nha mạnh như nhau, nếu khác thì chẳng qua anh A có thâm niên lâu hơn, nhiều kinh nghiệm chinh chiến hơn, chị B có nhiều kĩ thuật mới hơn do mới đi workshop về học được nhiều thứ hay ho. Chứ về cơ bản, technique làm product gần như mọi người đều nắm.

Và mình thấy điểm tạo ra sự khác biệt lớn nhất chính là việc giải quyết 1001 thứ bòng bong diễn ra mỗi ngày (problem solving), nó bao gồm cả những việc như chính trị anh A không ưa chị B, process - phải gặp chị C kí tên xong qua anh D đóng dấu, đến những việc trời ơi đất hỡi như sáng hôm nay không làm gì hết sao tự nhiên không đăng nhập được, vấn đề này cả nhà có biết chưa, sao báo cho chị E mà không báo cho chị F biết. Hay hôm nay anh H dẫn thêm đứa cháu G vào, cháu còn bé quá product chỉ bảo giúp mấy việc trong nhà nha. Và với mình, đây mới chính là những thứ oái ăm nhất, dễ gây tuột mood nhất chứ không phải mấy việc ở trên.

Để sống được với nghề này, thứ quan trọng nhất, chính là cảm xúc…mỗi cuối tháng khi lương về. Đứa nào bảo tao làm vì đam mê không cần tiền đấm vỡ mồm, đứng lên coi mặt coi. Sau cái xôi thịt đó, mình nghĩ lớn nhất phải là đam mê với nghề. Mà thật ra, nghề nào cung vậy, phải làm vì đam mê. Mê được làm sản phẩm ra ngô ra khoai, mê được tạo ra nhiều value cho người dùng, mê được nhiều người biết đến, mê khi thấy sản phẩm được khen, etc… Một khi còn đam mê thì sẽ còn tiếp tục đi được, khó khăn bao nhiêu cũng có cách.

Kết bài, dù làm gì đi nữa, thì cũng đừng để đam mê bị dập tắt.

#productmanagement


Loading comments...